[™ Forum Greensea ™][™ Teen Phan Rang ™]
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Teen mắc chứng hành xác

Go down

Teen mắc chứng hành xác Empty Teen mắc chứng hành xác

Bài gửi by helboy44 4/4/2008, 10:15 am

Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, bệnh trầm cảm cướp đi mỗi năm trung bình 850.000 mạng người, đến năm 2020 trầm cảm là căn bệnh xếp hạng 2 trong số những căn bệnh phổ biến toàn cầu với 121 triệu người mắc.
Nhưng chỉ khoảng 25 % trong số đó được điều trị kịp thời và đúng phương pháp. Những người bị bệnh trầm cảm thường được biết đến với cái tên 'người buồn'. Họ luôn ở trong tình trạng âu sầu, không muốn tiếp xúc với thế giới bên ngoài và thậm chí thường trực ý nghĩ tự tử.

Ngồi trước mặt tôi là cô gái có cái nhìn không biểu lộ một mảy may cảm xúc. Trên gương mặt cô gái vừa bước sang tuổi 16 thiếu sự tươi tắn của tuổi thanh xuân. Không nhiều người biết được rằng, cách đây chưa đến 1 năm, cô bé này đã làm náo động cả khu nhà mình ở (tỉnh Thanh Hoá) khi leo lên tầng 3 đòi tự tử sau khi để lại lá thư tuyệt mệnh. Cô gái có cái tên khá đẹp: Thu Phương.

Bố mẹ Thu Phương là dân làm ăn nên không có thời gian chăm sóc con cái. Phương được gửi sang nhà bác và quen sống tự do, không quan tâm đến ai. Năm cô 15 tuổi, được bố mẹ đón về và ép vào khuôn khổ, Từ đó, Phương liên tục cãi lời và em thường bị bố mẹ mắng chửi. Từ khó chịu, Phương phản kháng rồi bất mãn. Cuộc sống gia đình đối với Phương như một nhà tù, ngột ngạt, bí bách. Phương học giỏi các môn xã hội nhưng lại bị bố mẹ ép thi vào lớp chuyên toán. Không những thế họ còn dùng tiền để chạy chọt cho con.

Sống trong cảnh bị gò ép, Phương học ngày càng sa sút, rồi sinh ra chán nản, co mình trong vỏ bọc, không dám chơi với ai vì mặc cảm. Bố mẹ Phương vẫn không hiểu ra, cho con là kẻ vất đi, suốt ngày chì chiết, mắng chửi và tiếp tục chạy chọt xin xỏ điểm để con mình vẫn được là tiếng học giỏi. Phương phải sống trong sự mặc cảm, xấu hổ vì biết mình không giỏi nhưng lại vẫn sống trong cái hào quang bố mẹ 'mua' cho Phương không có bạn, không chơi với ai, lầm lì ít nói, ít cười, suốt ngày tự giam mình trong phòng, gương mặt buồn bã. Phương suy sụp hoàn toàn khi bạn bè phát hiện kết quả học tập của cô là hoàn toàn được bố mẹ chạy chọt mua bán và cô bé đã nảy ra ý định tự tử.

Khác với Phương, Thanh tốt nghiệp đại học và vào làm việc ở một công ty du lịch. Công việc xuôi chèo mát mái nhưng anh vẫn không quên được một thời mắc chứng trầm cảm của mình. Anh kể lại: 'Tôi bị khủng hoảng kéo dài từ khi bắt đầu học đại học. Khi học phổ thông thì phấn đấu hết sức mình cho mơ ước vào đại học, nhưng khi vào đại học rồi lại không biết mơ ước cái gì nữa, chán nản vì không biết phía trước đang chờ đợi là cái gì, tôi lâm vào tình trạng hoài nghi tất cả', Thanh kể lại mà vẫn chưa hết bàng hoàng.

Chương trình học không căng, lại không nhiều hứng thú nên Thanh đâm ra chán học. Ban đầu cậu ngồi quán chơi game, rồi đi chơi suốt ngày với bạn. Những trò chơi tối ngày cũng không khiến cậu thoát khỏi tình trạng chán chường. Dần dà những trò chơi cũng không còn hấp dẫn cậu. Đến một ngày cậu chán cả chính mình. Bứt rứt, mệt mỏi, không còn muốn vận động... bắt đầu ăn sâu vào cuộc sống của cậu, 'Tôi ngủ vùi cả ngày. Rồi sau đó tôi sợ luôn cả âm thanh ồn ào, sợ tiếng cười đùa. Kết quả học không cao, tình yêu thì tan vỡ càng khiến tôi bị căng thẳng và buồn chán', Thanh tâm sự.

Trường hợp của Thanh cũng là câu chuyện của một bộ phận giới trẻ ngày nay. Họ loay hoay trong cuộc sống không có định hướng, không hoài bão, không lý tưởng, mục đích, chán nản và bất lực với chính mình. Rồi căng thẳng hay thất bại trong công việc, những điều không may mắn trong cuộc sống, những tham vọng không trở thành hiện thực, tình yêu; những ức chế dồn dập, strees liên tục, bị ám ảnh bởi sex... tất cả khiến họ lâm vào một căn bệnh tâm lý mà y học gọi là chứng rối loạn lo âu.

Nhiều người trẻ bị trầm cảm phải nhập viện trong tình trạng tay chân đầy vết cắt, máu chảy ròng ròng, thậm chí có người tự cứa cổ mình để tự tử. Không ít bệnh nhân cầm lưỡi dao lam rạch lên tay mình rồi ngắm máu chảy... Các bác sĩ điều trị gọi đó là chứng tự hành xác, tự làm đau mình để tìm đến sự thư thái về tinh thần...

Bác sĩ Trịnh Ngọc Tuân (Viện sức khỏe tâm thần bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) vẫn chưa hết thương cảm khi kể về một nữ bệnh nhân. Mắc chứng trầm cảm từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học do một cú sốc về chuyện tình cảm và không nhìn thấy phía trước le lói một tia hy vọng nào, cô gái đã tìm đến cái chết như một giải pháp, cô đã mấy lần tự tử nhưng không thành. Chồng sắp cưới của cô khi nghe phong thanh cô phải vào viện tâm thần đã kiên quyết chia tay. Đến bây giờ thì hầu như mọi mơ ước về hạnh phúc, tương lai của cô đều đã đóng lại.

Những người mắc chứng trầm cảm không muốn tiếp xúc với người lạ. Họ hoàn toàn muốn tuyệt giao với thế giới xung quanh, thậm chí có mặt người lạ là hoảng loạn, từ chối nói chuyện với ngay cả bác sĩ tâm lý, không ăn, không ngủ, chỉ đờ đẫn nhìn vào một điểm vô định nào đó, họ căm ghét và ghê tởm ngay chính cả bản thân mình và chỉ muốn tìm đến cái chết như là sự giải thoát. Có cô bạn thân đã khóc nức nở ngoài hành lang bệnh viện khi vào thăm bạn mình: 'Em không dám nhìn vào mắt nó, em cảm thấy mình như người có tội'. Tôi cũng không dám nhìn lâu vào đôi mắt của những người trầm cảm mà tôi đã từng gặp, cảm giác xót xa tràn ngập trong lòng. Họ còn rất trẻ và tương lai còn phía trước. Nhiều người thậm chí rất giỏi giang, thành tích học tập xuất sắc, nhưng thay vì 'bơi ra biển lớn', họ lại lặng lẽ đi vào thế giới của những 'người buồn', vùi mình trong nỗi đau hay gặm nhấm những ý nghĩ u uất mà tự mình tưởng tượng ra.

Một ngày nào đó bạn hãy bớt chút thời gian vào Viện sức khỏe tâm thần Bệnh viện Bạch Mai, Khoa Tâm thần Bệnh viện Nhi Trung ương hay Viện Tâm thần Hà Nội nhìn những người còn rất trẻ đi lại với gương mặt vô hồn, nằm trên giường với ánh mắt âu sầu... trong khi ngoài kia bầu trời vẫn đầy nắng ấm và cuộc đời luôn đầy ắp những tiếng cười, những gương mặt rạng ngời... bạn sẽ phải động lòng trắc ẩn, thương thay cho họ.

Cuộc đời của một con người không tránh khỏi những thăng trầm, thậm chí có cả những thất bại. Không có chuyện trên suốt quãng đường mình đi đều trải toàn hoa hồng. Một triết gia Phương Tây đã nói một câu rất hay: 'Chỉ có những người biết vượt lên nỗi đau, vượt lên những bất hạnh của mình... thành công của họ mới thực sự đáng để chiêm ngưỡng'. Cuộc đời đầy bao dung và không lấy của ai cái gì và cũng không cho không ai cái gì, chỉ tự mình tìm lấy trong cuộc đời những điều tốt đẹp.
helboy44
helboy44
BAN QUẢN TRỊ

Tổng số bài gửi : 87
Registration date : 22/01/2008

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết